Tố chất cần có của nhà lãnh đạo

NHA LANH DAO
 

Các nghiên cứu về lãnh đạo đã chỉ ra rằng, khoảng 50-70% các tổ chức được quản lý bởi những người không đủ khả năng lãnh đạo. Họ được thuê chủ yếu là vì kiến thức về kỹ thuật, kinh doanh và chính trị, chứ không phải dựa trên kỹ năng lãnh đạo. 

 
Những người quản lý như vậy thường là những người truyền đạt kém, không nhạy cảm, không đáng tin cậy, kiểm soát vi mô, dễ bị kích động và “dễ bùng nổ”. Kết quả là nhân viên giảm sút tinh thần và xa lánh lãnh đạo. Vậy làm thế nào để trở thành một nhà lãnh đạo thực sự?

Sau đây là 18 yếu tố của một nhà lãnh đạo:


1. Nhận trách nhiệm

Trở thành một nhà điêu khắc cho công việc và cuộc sống của bạn chứ không phải là một bức tượng. Các nhà lãnh đạo là những người đáng tin cậy – là những tác giả cho cuộc sống của riêng họ. Hãy nhận trách nhiệm vì sự phát triển cá nhân của bạn.

Không ai có thể đầu tư vào thành công và sự thoả mãn của bạn nhiều hơn chính bạn. Điều khiển, bảo vệ và phát triển khả năng tiềm tàng của bạn phụ thuộc vào chính bạn. Bạn không thể bị động hoặc cố để chấp nhận những vai trò người khác giao cho. Hãy biết những điều mình muốn và chuẩn bị để hành động.

2. Biết điểm mạnh của mình


Công việc sẽ ý nghĩa nhất và thoả mãn nhất khi có cơ hội để sử dụng điểm mạnh của mình. Việc lãnh đạo dựa trên nền tảng cơ bản là đặc tính. Biết những điểm mạnh của mình sẽ khuyến khích bạn tìm được cách để chọn môi trường làm việc và công việc mà bạn có thể phát huy bản thân tốt nhất. 
 
Ví dụ, nếu một trong những điểm mạnh của bạn là trung thành và làm việc nhóm, bạn sẽ trở nên hiệu quả nhất khi là thành viên trong một nhóm nào đó.

Nếu công bằng là một trong những điểm mạnh lớn nhất của bạn, bạn sẽ thất vọng và không thoả mãn nếu không có cơ hội làm việc về những vấn đề liên quan đến công lý. Nếu bạn là người ham học hỏi, học tập, bạn sẽ cảm thấy buồn chán và thất vọng trừ khi bạn tìm được cách để làm chủ những kỹ năng và kiến thức mới.

Mỗi người có những điểm mạnh khác nhau. Những nhà lãnh đạo giỏi phát triển tài năng bằng cách gắn kết những thế mạnh của mọi người vào công việc. Họ thừa nhận sự đóng góp và biểu dương những thành tích đạt được.

Hãy bắt đầu việc lãnh đạo tốt bằng việc giành được từng thành công nhỏ. Hãy nhớ rằng, thậm chí những chiến thắng nhỏ cũng đủ để xây dựng sự tự tin và phát triển khả năng lãnh đạo.

3. Tạo ra tầm nhìn

Bắt đầu phát triển khả năng lãnh đạo bằng việc tạo ra tầm nhìn cá nhân. Tầm nhìn của bạn là một bức tranh về tương lai mà bạn có thể đạt đến. Nó sẽ thể hiện giá trị, những đóng góp mà bạn muốn tạo ra, và cách bạn muốn sống.

Không có tầm nhìn rõ ràng, rất dễ bị những mong muốn của người khác dẫn dắt mình. Hãy luôn hỏi tại sao, biết mình đang làm gì và hướng tới mục tiêu như thế nào sẽ giúp bạn lên kế hoạch cho sự phát triển cá nhân và nghề nghiệp, cũng như sẽ kiên cường đối mặt với các chướng ngại vật.

4. Lựa chọn một môi trường làm việc phù hợp

Một trong những sai lầm lớn nhất mà nhiều người mắc phải là chấp nhận giữ một vị trí trong tổ chức mà trái ngược lại những giá trị của họ. Đây là nguyên nhân dẫn đến nhiều biểu hiện làm việc tồi và thường xuyên thay đổi công việc.

Trong một tổ chức có những giá trị ngược với những giá trị của bản thân, bạn sẽ khó giành được vị trí lãnh đạo hơn là ở trong một tổ chức mà bạn có thể giữ nguyên được những nguyên tắc của bản thân.

5. Thiết lập một ban cố vấn riêng cho mình

Dù bạn là người luôn tự lực cánh sinh, sẽ có lúc bạn cần đến sự giúp đỡ và hỗ trợ. Thậm chí nếu bạn được bố trí một người cố vấn thì giống như “một cuộc hôn nhân bị sắp xếp”, bạn cũng không cảm thấy có thể đáp ứng được những nhu cầu phát triển nghề nghiệp mà bạn cho là quan trọng nhất. 

 
Do đó, thiết lập một ban cố vấn riêng có thể khuyến khích bạn giành được sự ủng hộ từ những người khác.

Để xây dựng một ban cố vấn cho bản thân hiệu quả, bạn cần làm rõ các nhu cầu của mình. Xác định các kỹ năng bạn cần để giành được các mục tiêu nghề nghiệp mà bạn đặt ra trong một, hai năm tới. Trong lúc đó, quan sát những người bạn muốn cạnh tranh hoặc những chuyên gia trong lĩnh vực đó mà bạn yêu thích. Hãy tìm kiếm cả ở trong cũng như ngoài phạm vi làm việc của bạn.

Những người trong ban của bạn sẽ thay đổi khi nhu cầu học tập của bạn thay đổi. Để phát triển một ban cố vấn:

– Chọn những người mà bạn tin cậy.

– Luôn nhớ rằng sự hợp tác giữa bạn với các cố vấn là mối quan hệ quan trọng, chiến lược và có ý nghĩa.

– Nói rõ mong muốn của mỗi người trong mối quan hệ này.

– Hiểu những điều mà những người cố vấn cần. Một số nhà cố vấn chỉ cần giúp người khác thành công là đủ, trong khi nhiều người khác lại cảm thấy được coi trọng khi bạn đề nghị họ hãy luôn sát cánh với họ trong công việc.

Hãy vượt lên việc chỉ biết thích nghi với những gì xảy đến. Hãy lựa chọn và ảnh hưởng lên hoàn cảnh hơn là phản ứng lại với hoàn cảnh do người khác tạo ra. Hãy làm việc để thay đổi chính mình và hoàn cảnh của mình. Hãy khởi đầu con đường lãnh đạo bắng cách lãnh đạo chính mình”. Đó là một trong nhiều cách để trở thành một nhà lãnh đạo thực thụ.

6. Chuyên sâu trong lĩnh vực của mình

Những biểu hiện làm việc xuất sắc là rất cần thiết, dù nó không phải là điều kiện đủ cho việc lãnh đạo. Hãy luôn ở vị trí hàng đầu trong sự phát triển nghề nghiệp. Đừng chờ cho đến khi tổ chức của bạn gợi ý cho bạn một khoá học về những kỹ năng bạn muốn học. Tìm cơ hội cho riêng mình.

Duy trì các tiêu chuẩn cao trong công việc sẽ phản ánh sự cố gắng tích cực. Mặt khác, tự phê bình mình quá gay gắt trước những lỗi nhỏ có thể phá hoại thành công của bạn. Những người cầu toàn dễ dàng quản lý vi mô và chỉ trích người khác mà không cách nào trong hai cách đó được xem là hành vi lãnh đạo hiệu quả.

Thật khó để cố gắng làm gì đó trừ khi bạn được làm cái mình yêu thích. Người ta gắn kết với công việc vì thích thú với nó thì sẽ kiên cường đối mặt với các chướng ngại vật. Sự nhiệt tình và đam mê sẽ động viên bạn khi bạn gặp những việc khó khăn.

Bạn càng có kiến thức và càng có kỹ năng tốt, bạn sẽ trở thành “nguồn tài nguyên” trước những người khác. Sự tinh thông trong lính vực nào đó sẽ xây dựng danh tiếng của bạn, một điều rất cần thiết nếu muốn giành được vai trò lãnh đạo.

7. Lãnh đạo chính mình

Để trở thành một nhà lãnh đạo, trước tiên, bạn phải học cách lãnh đạo chính mình. Lựa chọn công việc của bạn – đừng để công việc chọn bạn. Hãy tìm kiếm công việc mà bạn thích, để từ đó bạn có thể học hỏi. 

 
Nếu công việc không tìm đến bạn, hãy lên kế hoạch để tìm nó. Liên kết với những người trong và ngoài tổ chức, họ có thể giúp bạn làm việc với các kiểu vấn đề và các kiểu khách hàng mà bạn thích.

8. Chấp nhận thử thách

Hãy tham gia những nhóm, các hội và nhận vai trò lãnh đạo. Đây là cơ hội để phát triển khả năng lãnh đạo cũng như tăng được tầm nhìn. Để phá vỡ những vật cản trên con đường trở thành lãnh đạo, bạn phải có đủ tự tin. 

 
Điều đó có nghĩa là bạn dám làm thay vì ngồi đợi bạn biết tất cả mọi thứ trước khi bắt tay vào làm, vì như thế thì chẳng biết đến bao giờ. Hãy hỏi ban cố vấn của bạn những điều bạn cần làm để lấp đầy những lỗ hổng kiến thức.

Hãy trình bày ý tưởng của bạn. Nói bằng một thái độ thuyết phục sẽ làm lời nói của bạn có sức mạnh và uy quyền hơn. Giải thích về những ý tưởng của mình. Đừng dè dặt hay hối tiếc vì đưa ra những ý tưởng đó. Kiểm soát cảm xúc của mình. Tránh trì trích nặng nề và luôn luôn tôn trọng phẩm giá của người khác.

Không nên quá ủ ê khi mắc sai lầm. Nếu chỉ mới thất vọng ở một vấn đề nào đó, không có nghĩa là bạn sẽ thất bại trong sự nghiệp. Hãy xem sai lầm là cơ hội để học hỏi.

 
Những thành công lớn sẽ khiến mọi người quên đi những sai lầm nhỏ của bạn. Dám mạo hiểm sẽ xây dựng sự kiên cường và tự tin. Điều này sẽ tăng lực cho bạn để giành được vị trí lãnh đạo.

9. Luôn lạc quan

Các nhà lãnh đạo phải luôn lạc quan. Khi đối mặt với một thử thách, người lạc quan sẽ không có cảm giác mình thua cuộc và không nơi nương tựa. Họ duy trì sự tập trung vào những mục đích lớn hơn, tìm cách để bật lên và theo đuổi con đường đạt đến mục tiêu của mình.

Người lạc quan sẽ nhìn sai lầm là cơ hội học hỏi, không phải là tai hoạ hay sự kết thúc sự nghiệp của họ. Điều này lại khuyến khích họ chấp nhận các thử thách trên con đường trở thành nhà lãnh đạo. Có thể bạn từng nghĩ lạc quan là phẩm chất cá nhân và có thể người này có còn người khác thì không. 

 
Nhưng trên thực tế, các nghiên cứu đã chứng tỏ rằng người ta có thể học cách suy nghĩ lạc quan và cần phải có một quá trình để thay đổi.

10. Trở thành người không thể thay thế được

Tìm một vị trí được tổ chức đánh giá cao và bạn thấy đam mê. Phát triển hiểu biết của bạn trong lĩnh vực này. Nếu bạn là một chuyên gia duy nhất, hoặc là một trong rất ít những chuyên gia, bạn sẽ được đánh giá cao. Điều này sẽ tăng sức mạnh và cơ hội lãnh đạo của bạn.

11. Quan tâm đến những mục tiêu dài hạn

Tập trung vào những mục tiêu nghề nghiệp dài hạn sẽ mở ra nhiều cơ hội trở thành lãnh đạo hơn. Nếu mục tiêu của bạn không phù hợp với mục tiêu của tổ chức và bạn không nhận được sự hỗ trợ cần thiết, thì hãy tìm cho mình một công việc khác.

Làm lãnh đạo thì ai cũng muốn nhưng không phải ai cũng có đủ khả năng. Để trở thành một nhà lãnh đạo đòi hỏi phải có trách nhiệm, tầm nhìn, sự chính trực, cảm thông và niềm tin vào những mục tiêu đã đặt ra.

Các cách tiếp theo sau đây sẽ giúp bạn trở thành một nhà lãnh đạo thực sự.

12. Hiểu được cảm xúc của người khác

Nền tảng cơ bản của việc lãnh đạo là quan hệ của bạn với mọi người. Ở góc độ cá nhân, những người không thể kiểm soát được cảm xúc của mình thì khó lòng quản lý người khác hiệu quả được. Sẽ rất quan trọng khi nhận thức được cảm xúc của mình và diễn tả nó trong những tình huống cụ thể. Quản lý cảm xúc của bạn sẽ làm cho nhận thức và phán đoán của bạn bớt u ám.

Những nhà lãnh đạo hiệu quả là những người có thể đọc được những dấu hiệu xúc cảm của người khác. Khả năng ảnh hưởng của bạn lên người khác phụ thuộc vào sự nhạy cảm của bạn trước phản ứng của mọi người. 

 
Hãy luyện tập khả năng “nghe” người khác – không phải chỉ là nghe những lời họ nói mà nghe cả những điều họ không diễn tả bằng lời. Các nhà lãnh đạo sẽ thuyết phục hơn khi họ có thể làm cho thông điệp hoà hợp với người nghe.

13. Tự bào chữa cho mình

Nhiều luật sư rất giỏi biện hộ cho khách hàng nhưng lại không dám bào chữa cho chính mình. Nhưng không biết tự bào chữa có thể mang lại rất nhiều hậu quả. Hãy nhớ rằng, những gì người ngoài trông thấy chỉ là một phần rất nhỏ trong hành động của chúng ta.

Việc thiếu thông tin có thể khiến người khác hiểu không đầy đủ hoặc không đúng về những việc bạn làm. Hãy thể hiện sự thuyết phục của bạn. Việc tự biện hộ cũng rất cần thiết trong việc tiến đến vị trí lãnh đạo. 

 
Thêm vào đó, hãy chắc chắn rằng bạn thừa nhận và đánh giá cao những người đã tham gia nỗ lực nhóm. Những nhà lãnh đạo có thể khiến cho nhân viên tự hào vì những đóng góp của họ.

14. Trở thành một nhà truyền thông xuất sắc

Một nhà lãnh đạo phải truyền đạt tầm nhìn của mình theo cách tăng cường sức mạnh cho người khác và khuyến khích họ hành động. Khả năng có được sự hợp tác và hỗ trợ của người khác, thông qua thoả hiệp, thuyết phục và ảnh hưởng – đều dựa vào kỹ năng truyền thông. 

 
Thu hút sự chú ý của người nghe bằng việc nói về mục tiêu mà người nghe muốn giành được, sau đó lắng nghe ý kiến của họ. Khi người nghe cảm thấy họ được lắng nghe, họ cũng sẽ lắng nghe bạn.

15. Thể hiện sự quan tâm đến người khác

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng đặc điểm quan trọng nhất của nhà lãnh đạo hiệu quả là sự đam mê, sự giáo dục, sự rộng lượng, vị tha và cảm thông. Biểu hiện của nó là sự quan tâm đến mọi người. Nếu biết quan tâm đến người khác, bạn sẽ có được sự yêu quý của họ. Đó là điều không thể thiếu được nếu muốn trở thành lãnh đạo.

16. Phát triển và duy trì một hệ thống hỗ trợ

Dành thời gian để duy trì sự hỗ trợ và liên hệ gần gũi với những người khác là việc rất cần thiết. Ở nhà bạn cần người bạn đời gánh vác và chia sẻ công việc gia đình. Hãy nói rõ với những người thân khác nếu bạn cần sự hỗ trợ của họ để đạt được mục tiêu. Bạn cũng cần sự hỗ trợ của những người bạn giám sát. Học cách uỷ thác bớt công việc cho những người khác.

Hãy nhớ rằng lãnh đạo không phải là làm tất cả mọi việc. Nhà lãnh đạo giao nhiệm vụ cho người khác dựa trên những điểm mạnh và tinh thần của họ. Họ nói rất rõ ràng những mong muốn của mình khi giao nhiệm vụ. Cũng đừng để sự cầu toàn làm hỏng việc uỷ thác. 

 
Nếu bạn thấy không thoả mãn với những sản phẩm đã hoàn thành, đừng tự mình làm lại. Thay vì thế, hãy giao nó lại cho người bạn đã giao phó và chắc chắn rằng người đó hiểu mong muốn của bạn. Bằng cách này bạn sẽ không cảm thấy gánh nặng và bạn sẽ giúp những người khác tăng cường khả năng của riêng họ.

17. Duy trì sự chính trực

Sự chính trực có thể được xem là đặc điểm quan trọng nhất của việc lãnh đạo. Người ta chịu sự lãnh đạo của những người mà họ tin tưởng. Hãy làm những điều bạn nói bạn sẽ làm. Đừng hứa những điều bạn không thể. Những người không có sự chính trực có thể vẫn có quyền lực nhưng họ không lãnh đạo thực sự.

18. Bền bỉ

Sự bền bỉ khi đối mặt với mọi tai ương là một trong những biểu hiện của sự kiên cường. Hãy chịu trách nhiệm về số phận của chính mình. Giữ vững các giá trị và mục tiêu của bạn và duy trì những nỗ lực để giành được nó. 

 
Sự bền bỉ không có nghĩa là không bao giờ bạn cảm thấy mất đi sự khuyến khích, mà bạn vẫn tiếp tục tập trung vào mục tiêu cho dù đôi lúc bạn không thể tránh khỏi cảm giác này. Nếu bạn muốn trở thành một nhà lãnh đạo, giống như một vận động viên marathon, hãy luôn cố gắng và tin tưởng vào những điều bạn đang làm và không bao giờ bỏ cuộc.

SƯU TẦM

0/5 (0 Reviews)

You may also like...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.